“Sở thích của bạn là gì?” đó là câu hỏi quen thuộc trong bất kì lần phỏng vấn xin việc nào. Ơ hay, sở thích của tôi là việc của tôi, ông hỏi làm gì? Thế nhưng, câu hỏi này không chỉ dừng lại ở việc xem ứng viên thích làm gì, đam mê thứ gì, người tuyển dụng còn chờ đợi nhiều hơn thế.
Vậy họ đang chờ đợi và phân tích được những gì từ câu hỏi tưởng chừng vu vơ trên?
Lynn Taylor, tác giả của cuốn sách “Cách thức trị sếp trẻ con và bứt phá trong công việc” đồng thời cũng là người có kinh nghiệm trong nghiên cứu các văn phòng đã chỉ ra 10 yếu tố mà nhà tuyển dụng suy nghĩ chỉ với câu hỏi trên.
1. Tìm ra liệu bạn có phải người phù hợp làm việc nhóm hay không
Taylor nói: “Các công việc hiện đại đều yêu cầu có sự tương tác, hỗ trợ qua lại giữa những thành viên trong nhóm. Hoạt động, sở thích của bạn sẽ mô tả khả năng làm việc của bản thân. Ví dụ như bạn thích chơi đá bóng hay thể thao thì khả năng là bạn sẽ làm việc tốt hơn những người đóng cửa trong phòng nghe nhạc một mình. Đây là điều quan trọng các nhà tuyển dụng nhắm tới”.
2. Tìm ra liệu bạn có khả năng lãnh đạo hay không
“Nếu bạn dẫn đầu một nhóm trong sở thích của mình, ví dụ đội trưởng đội bóng, trưởng nhóm bắn bi hay chủ tịch câu lạc bộ sách… Nó cho thấy bạn là người có khả năng lãnh đạo nhóm, phù hợp làm việc nhóm, có ảnh hưởng tới người khác”.
Tất nhiên, không phải công việc nào cũng cần một người lãnh đạo hay có tài quản lý, thế nhưng tố chất lãnh đạo còn thể hiện khao khát làm cái mới, khát vọng thăng tiến của mỗi người.
3. Tìm hiểu xem bạn có nỗ lực để cải thiện kĩ năng hay không
Nếu như sở thích của bạn là ngủ hoặc ăn, bạn khó lòng có khả năng rèn luyện kĩ năng như những người tập nhạc cụ, đọc sách hay thậm chí chơi thể thao. Những sở thích, thói quen liên quan nhiều tới yếu tố tập luyện, rèn luyện luôn là thứ được các nhà tuyển dụng mong chờ.
Mặc dù vậy, nếu có mê ngủ cũng đừng quá lo ngại vì biết đâu bạn có một đặc tính điển hình của người thông minh và nhà tuyển dụng sẽ đưa bạn vào một vị trí phù hợp.
4. Để phát hiện xem bạn có cuộc sống cân bằng hay không
Nhà tuyển dụng luôn có xu hướng thống kê các sở thích của ứng viên từ đó xem họ sẽ làm những gì khi không làm việc. Đừng nghĩ làm việc quá nhiều là điều tốt, một người không có sở thích sẽ không có khoảng thời gian thư giãn từ đó dễ căng thẳng và hiệu quả công việc dần kém đi.
“Nếu bạn có nhiều sở thích thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, điều này đồng nghĩa với việc bạn có nhiều kiến thức hơn về mọi thứ, quen biết rộng hơn và có thể có khả năng quản lý tốt hơn thời gian, tập thể mà bạn tham gia cùng”, Taylor nói.
Thế nhưng, đừng liệt kê ra quá nhiều sở thích, điều này không đúng vì một người khó có thể thích được quá nhiều thứ và nếu họ có thể, họ sẽ chẳng tập trung được vào thứ gì. Vừa đủ là thứ mà các nhà tuyển dụng kiếm tìm.
5. Để tìm hiểu xem đam mê của bạn tới đâu
Nếu bạn thích vượt qua những giới hạn mới, ví dụ như muốn chạy được 5km trong 1 giờ đồng hồ hoặc muốn ghi đều đều 2 bàn thắng mỗi trận khi đá bóng… đó là thứ nhà tuyển dụng chờ đợi, tôn trọng.
Taylor cho rằng những người có mục tiêu kể cả trong sở thích của mình cho nhà tuyển dụng thấy họ thật sự đam mê với sở thích kia và sẵn sàng nỗ lực để đạt được đích. Đây là những người nhiệt tình trong công việc, không ngại khó, ngại khổ và luôn cố gắng làm để có được nhiều hơn.
6. Để hiểu rằng bạn không bị xao nhãng trong công việc
Có những sở thích khiến con người khó tập trung làm việc. Mặc dù công việc và giải trí, thư giãn là 2 yếu tố hoàn toàn khác nhau, thế nhưng những người tuyển dụng chẳng bao giờ muốn có một nhân viên chểnh mảng công việc chỉ vì những sở thích.
7. Để tìm ra tố chất doanh nhân bên trong mỗi người
Ai nói sở thích chỉ là thứ được dùng để thư giãn, giải trí sau giờ làm? Thực tế là chẳng ai nói thế cả, có rất nhiều người đã biến sở thích, đam mê trở thành mô hình kinh doanh mang về cho họ thành công, tiền bạc.
Mặc dù bạn phải phỏng vấn xin việc, có nghĩa là ước mơ của bạn chưa thành hiện thực, bạn chưa biến được sở thích thành công cụ kiếm tiền. Thế nhưng những thành tựu bạn có được với sở thích ấy sẽ cho nhà tuyển dụng biết được nhiều điều hơn, liệu bạn có đủ tố chất để làm một doanh nhân đích thực? Các công ty luôn coi trọng điều này, ai mà không thích có một doanh nhân tài năng làm việc cùng với mình chứ?