Xã hội đã bắt đầu đón nhận hậu quả của sự bất công bằng giáo dục và hậu quả sẽ trở nên tệ hại hơn nếu không sớm thay đổi.
Ai là người gánh chịu hậu quả?
Đã có sự bất công bằng ở bậc giáo dục mầm non và tiểu học giữa trẻ em thành thị và trẻ em nông thôn, giữa trẻ con nhà giàu và trẻ con nhà nghèo (con của công nhân các khu công nghiệp).
Sự khác biệt trong giáo dục mà các nhóm trẻ này tiếp nhận, nhìn sơ bộ thì không có vấn đề lớn. Vì bố mẹ chúng có điều kiện hơn thì con cái được học hành tử tế hơn. Nhưng một đứa trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục yếu kém sẽ có nhiều nguy cơ trở thành sản phẩm lỗi của xã hội hơn. Khi đó, họ sẽ trở thành gánh nặng của xã hội. Ai là người sẽ phải gánh chịu hậu quả do họ tạo ra?
Chính những đứa trẻ được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt hơn, phát triển cá nhân tốt hơn sẽ gánh 1 phần hậu quả xã hội đấy. Họ phải chi trả các chi phí xã hội để đảm bảo trị an xã hội, xử lý tội phạm, xây dựng nhà tù và quản lý, cải tạo tù nhân …
Tại sao tội phạm vị thành niên gia tăng trong thời gian gần đây? tôi đoán rằng: nhiều trong số họ là những đứa trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục mầm non và tiểu học yếu kém ở các khu công nghiệp phát triển trong thập kỷ 90. Tôi bị ấn tượng mạnh mẽ với những video clip được phát đi trong 2 năm vừa qua về thực trạng cuộc sống của công nhân trẻ ở các khu công nghiệp, đời sống gia đình của họ và chất lượng giáo dục mà con cái họ được thụ hưởng. Liệu những đứa trẻ trong điều kiện thiếu thốn như thế có nhiều cơ hội để phát triển trí, tâm, thể, mỹ một cách lành mạnh?
Ở Mỹ đã có nghiên cứu tương tự về sự liên quan giữa tỷ lệ tội phạm vị thành niên tại 1 thời điểm và nền tảng giáo dục của địa phương 15 -20 năm trước đó.
Tôi không có trong tay số liệu cụ thể về tội phạm vị thành niên của VN hiện tại và phân tích xã hội học của nhóm này. Tôi rất mong nhận được phản hồi bằng số liệu cụ thể để phản đối hoặc củng cố nhận định trên.
Đảm bảo “quyền tiếp cận”
Trẻ em vốn không đủ hiểu và không có khả năng đòi hỏi lợi ích về giáo dục cho mình. Bởi thế, người lớn có trách nhiệm đảm bảo cho các em quyền cơ bản được tiếp cận bình đẳng, công bằng, không phân biệt khu vực, vùng miền và đặc biệt là xuất thân của các em. Vì lợi ích chung của toàn xã hội trong tương lai 10 – 20 năm sau, mỗi đứa trẻ sinh ra đều cần được giáo dục cơ bản về:
1. Nhận thức về bản thân, xã hội, và kỹ năng sống cơ bản. Nhằm mục đích giúp trẻ có đủ ý thức để lựa chọn một nghề tốt, phù hợp với mình và đóng góp tích cực xã hội.
2. Công cụ, phương tiện để tiếp cận với đào tạo nghề nghiệp. Nhằm mục đích giúp trẻ có đủ điều kiện, phương tiện để học tập và phát triển theo nghề phù hợp với bản thân mình.
Đảm bảo được những điều cơ bản trên, đến độ tuổi 15 – 18, trẻ có đủ nhận thức cơ bản để tự lựa chọn và phát triển cuộc sống riêng của mình. Qua độ tuổi 18, trách nhiệm để có cuộc sống tốt hơn là trách nhiệm của mỗi người, do tự mỗi người lựa chọn.
Giáo dục mầm non và tiểu học của Việt Nam hiện tại đang tạo sự khác biệt quá lớn giữa trẻ nhà giàu và trẻ nhà nghèo, trẻ nông thôn và trẻ thành thị. Sự khác biệt đó sẽ tác động sâu sắc đến bản thân các em và cả xã hội sau 10 – 15 năm nữa.
Với trẻ thành thị và trẻ con nhà giàu, các em được tiếp cận với máy tính, internet, công nghệ hiện đại, khi lớn lên sẽ có điều kiện để học tập và phát triển hơn rất nhiều so với nhóm trẻ khác.
Với trẻ nhà nghèo hoặc trẻ nông thôn, khi bước sang độ tuổi sau 15 – 18, các em sẽ thiếu phương tiện (kỹ năng làm việc với máy tính và công nghệ) để tiếp cận giáo dục và phát triển nghề nghiệp.
Với sự bất công bằng này, trẻ em nghèo, trẻ em nông thôn không được đảm bảo khả năng sử dụng các công cụ, phương tiện để tiếp cận với đào tạo nghề nghiệp tốt hơn. Điều này có khả năng gián tiếp tạo ra những bất bình đẳng, bất công và xấu hơn là các bất mãn và bất ổn xã hội trong tương lai. Khi những người có cùng khả năng về trí lực, thể lực và đạo đức lại không có quyền tiếp cận sự phát triển tương đương nhau.